Intel đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm qua, khi hàng loạt chiến lược chủ lực không mang lại kết quả như kỳ vọng. Việc áp dụng kiến trúc big.LITTLE theo phong cách ARM vào nền tảng x86 không giúp hãng tạo đột phá. Ngay cả dòng chip mới như Arrow Lake cũng không thể cạnh tranh sòng phẳng với AMD. Trong lĩnh vực GPU, Intel ra mắt quá muộn và sản phẩm chưa hoàn thiện, khiến gần như không có cơ hội tạo dấu ấn.
Tình hình nghiêm trọng đến mức chính CEO mới – Lip-Bu Tan – đã thẳng thắn thừa nhận trong một cuộc họp nội bộ bị rò rỉ rằng Intel không còn nằm trong top 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới. Một tuyên bố gây sốc nếu nhìn lại quá khứ huy hoàng của “đội Xanh”.
Theo trang OregonTech, Intel hiện không còn là cái tên đáng gờm trong ngành. Các đối thủ như AMD, Nvidia, Apple, TSMC và Samsung đều đã vươn lên mạnh mẽ, thậm chí các công ty nhỏ hơn như MediaTek, Broadcom, SK Hynix cũng thể hiện sức cạnh tranh vượt trội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tụt dốc là Intel đã xem nhẹ AMD quá lâu. Khi AMD tung ra dòng chip Ryzen, cục diện đã thay đổi. AMD không chỉ chiếm lĩnh PC mà còn xuất hiện rộng rãi trên thiết bị cầm tay và console như Steam Deck, PlayStation 5 hay Xbox Series. Trong khi đó, chiến lược “tự làm mọi thứ” – từ thiết kế đến sản xuất – từng là điểm mạnh của Intel, nay lại trở thành gánh nặng. Công nghệ sản xuất chip nội bộ của hãng không còn theo kịp các ông lớn như TSMC.
Từ 2023, Intel buộc phải chuyển giao sản xuất GPU của chip Meteor Lake sang cho TSMC. Đến năm 2025, khoảng 30% sản lượng chip sẽ được gia công bên ngoài – điều chưa từng có tiền lệ.
Không chỉ đối mặt với thua lỗ – lên tới 16 tỷ USD chỉ trong quý 3 năm ngoái – Intel còn phải cắt giảm hàng nghìn nhân sự toàn cầu để duy trì hoạt động. Tuy vậy, hãng vẫn đầu tư mạnh vào R&D để chạy đua công nghệ.
Với vai trò mới, CEO Lip-Bu Tan ví con đường phục hưng Intel là một “cuộc chạy marathon”, đòi hỏi thay đổi văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khiêm tốn và khả năng lắng nghe thị trường. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải linh hoạt và phản ứng nhanh như AMD hay Nvidia – những cái tên đang thống trị kỷ nguyên AI.
Khi cuộc cách mạng AI bùng nổ với sự xuất hiện của ChatGPT, gần như toàn bộ hạ tầng xử lý AI đều vận hành trên GPU của Nvidia – và Intel đã để tuột mất cơ hội này. CEO Tan thừa nhận Intel đã quá muộn để chen chân vào cuộc chơi AI đào tạo, nhưng hãng sẽ tập trung vào mảng “AI ở biên” – tức tích hợp xử lý AI trực tiếp vào các thiết bị đầu cuối như PC.
Đồng thời, Intel cũng đang đầu tư vào AI tự hành – nơi các hệ thống có thể tự ra quyết định mà không cần con người giám sát. Hãng đã chiêu mộ nhiều chuyên gia đầu ngành và dự kiến sẽ còn nhiều tên tuổi lớn gia nhập.
Ở phân khúc CPU trung tâm dữ liệu, Intel tiếp tục bị AMD vượt mặt với dòng EPYC mạnh mẽ. Đây được cho là một phần lý do khiến ban lãnh đạo quyết định thay CEO cũ Pat Gelsinger bằng ông Lip-Bu Tan – người theo đuổi chiến lược tập trung, gọn gàng, từng bước vững chắc.
Đáng chú ý, có tin đồn rằng Intel đang xem xét tách công ty thành hai bộ phận riêng biệt: một chuyên thiết kế chip, một đảm nhiệm sản xuất – mô hình mà AMD, Apple và Nvidia đã đi trước. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là bước ngoặt lớn để giúp Intel trở nên linh hoạt hơn trong thế giới bán dẫn đầy biến động.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là giả thiết. Mọi kỳ vọng hiện đang dồn vào tiến trình sản xuất 18A – “át chủ bài” của Intel – vốn chưa sẵn sàng và ít nhất phải đến năm sau mới có thể triển khai đại trà.